BHXH Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo người dân cảnh giác với tình trạng giả danh cán bộ BHXH để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội.
Theo BHXH Việt Nam, những ngày gần đây, cơ quan BHXH nhận được thông tin phản ánh của một số người dân về việc một số đối tượng giả danh cán bộ BHXH Việt Nam để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân qua mạng xã hội. Cụ thể, chị N.H.T (sinh năm 1987, ngụ tại ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP.HCM) cho biết, ngày 11/8/2022, trong quá trình sử dụng mạng xã hội Facebook, chị T. thấy có trang Bảo hiểm Việt Nam cùng dòng chữ “Cung cấp dịch vụ Giải ngân trước hạn. 1- Làm lại sổ BHXH. 2- Hỗ trợ giải ngân hồ sơ quá hạn”.
Do đang có nhu cầu tìm hiểu và giải quyết chế độ hồ sơ quá hạn BHXH, nên chị T. đã liên hệ với Fanpage trên. Chị T. được hướng dẫn liên hệ với một tài khoản Zalo tên Lương Uyên. Tại đây, người này yêu cầu chị T. cung cấp thông tin cá nhân, chụp hình Căn cước công dân và tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giải quyết chế độ cho chị T. với số tiền 17.706.000 đồng với số lần giải ngân là 5 lần. Mỗi lần giải ngân, chị T. phải chuyển khoản cho chuyên viên BHXH giả này số tiền 820.000 đồng (được giải thích là phí giải quyết hồ sơ) vào số tài khoản mà chuyên viên này cung cấp.
Sau khi trao đổi, chị T. đã chuyển khoản số tiền 820.000 đồng theo hướng dẫn của người này. Sau đó, tài khoản Zalo tên Lương Uyên tiếp tục yêu cầu chị T. chuyển thêm tiền vào tài khoản đã cung cấp để được nhận đủ tiền trợ cấp trong ngày. Thấy khả nghi, nên chiều cùng ngày, chị T. tìm đến cơ quan BHXH để kiểm tra thông tin và biết mình đã bị lừa.
Không chỉ tại TP.HCM, tại các địa phương khác như An Giang cũng có tình trạng người lao động (NLĐ) nhận được tin nhắn của một số đối tượng giả danh người của cơ quan BHXH nhận hỗ trợ làm thủ tục giải ngân tiền trợ cấp thất nghiệp. Các đối tượng này yêu cầu NLĐ cung cấp quá trình đóng BHXH trên ứng dụng VssID để tính số tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, các đối tượng sẽ “giúp NLĐ làm thủ tục giải ngân trong 2 ngày và lấy phí dịch vụ 5% trên tổng số tiền NLĐ nhận được” và yêu cầu số tiền này phải thanh toán trước. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, NLĐ không nhận được bất cứ khoản trợ cấp nào.
Cũng theo cảnh báo, hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ cung cấp thông tin chính thức về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ người tham gia qua các kênh sau: Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam (https://baohiemxahoi.gov.vn/); các trang mạng xã hội của BHXH Việt Nam như: Trang Fanpage Facebook tại địa chỉ https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn; Trang Zalo Official Account: Bảo hiểm xã hội Việt Nam; trên ứng dụng VssID; số hotline (1900.9068); cơ quan BHXH cấp huyện/tỉnh.
Do đó, BHXH Việt Nam khuyến cáo, NLĐ, người dân, đơn vị, tổ chức cần lưu ý các kênh cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn của ngành BHXH Việt Nam nêu trên; không nên tìm hiểu thông tin tại các Fanpage, diễn đàn… không chính thống, tránh bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo. Trường hợp nghi ngờ bị lừa đảo, NLĐ có thể báo ngay cho cơ quan Công an để xử lý hoặc thông báo cho cơ quan BHXH trên địa bàn để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.
Tin cùng chuyên mục:
Nhận định bóng đá Việt Nam – Thái Lan: Rực lửa Siêu kinh điển, thách thức cực đại (AFF Cup)
Nguyễn Thị Miện chuyên gia dinh dưỡng lừa đảo những người mẹ bỉm trục lợi sức khỏe trẻ em
Lấy mác chuyên gia dinh dưỡng để trục lợi chiếm đoạt tài sản – Nguyễn Thị Miện
AFF Cup 2022: Tuyển Việt Nam học được gì từ trận hòa bế tắc với đội Indonesia?