Tiếp tục kiềm chế cháy, nổ trong năm 2023

Đó là một trong những mục tiêu ngành Công an đề ra trong công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC), nhất là công tác phòng cháy từ cơ sở năm 2023.

Theo đánh giá của Công an tỉnh, năm 2022, các vụ cháy trên toàn tỉnh còn diễn biến phức tạp khi phần lớn xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, công ty trong và ngoài khu công nghiệp gây thiệt hại lớn.

* Chủ yếu cháy do điện

Năm 2022, toàn tỉnh xảy ra 31 vụ cháy, làm 1 người chết, thiệt hại tài sản ước tính hơn 150 tỷ đồng. So với năm 2021, bằng số vụ cháy, tăng 1 người chết, thiệt hại tài sản tăng 65,6 tỷ đồng. Một số địa phương có số vụ cháy nhiều nhất là: Biên Hòa 12 vụ, Trảng Bom 5 vụ, Long Thành và H.Vĩnh Cửu mỗi huyện 3 vụ.

Trong đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh… xảy ra 14 vụ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh 6 vụ; phương tiện giao thông 10 vụ; trường học 1 vụ. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố điện với hơn 31% số vụ.

Đáng chú ý, trong năm 2022, toàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy thiệt hại lớn như: cháy nhà tạm trong khuôn viên Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) làm 1 bé gái 12 tuổi thiệt mạng vào ngày 14-4; cháy cơ sở sản xuất tượng M.C. tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) trưa 3-12 thiêu rụi khoảng 300m2 xưởng và nhiều hàng hóa, thành phẩm bên trong.

Lý giải về nguyên nhân số vụ cháy còn ở mức cao, thượng tá Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cho biết, năm 2022, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các cơ sở trở lại hoạt động bình thường nhưng do các máy móc, thiết bị, hệ thống điện để lâu ngày không được bảo dưỡng, sửa chữa thay thế và gia tăng hoạt động sản xuất, kinh doanh nên nguy cơ xảy ra cháy tăng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên đa số doanh nghiệp gặp khó khăn về kinh phí, dẫn đến kinh phí dành cho bảo trì, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị, hệ thống PCCC, đặc biệt là hệ thống điện bị hạn chế. Việc này dẫn tới khi hoạt động trở lại và gia tăng công suất hoạt động dễ làm phát sinh sự cố điện gây ra cháy, đó cũng là một nguyên nhân làm tăng nguy cơ cháy xảy ra.

Riêng năm 2022, khi phân tích số vụ cháy, lực lượng chức năng nhận thấy chỉ có 6/31 vụ xảy ra trong các khu công nghiệp, 14 vụ cháy các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại các khu dân cư.

Bên cạnh đó, trên toàn tỉnh hiện có hơn 52 ngàn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; gần 36 ngàn nhà do UBND cấp xã quản lý. Đây là những cơ sở được lực lượng chức năng đánh giá tiềm ẩn nguy cơ cháy lan sang khu dân cư khi phần lớn các nhà ở vùng đô thị xây dựng san sát nhau, “luồn lách” trong các hẻm nhỏ. Với vùng nông thôn lại xa các nguồn cấp nước chữa cháy, xa các đơn vị cảnh sát PCCC nên thời gian lực lượng chuyên nghiệp tiếp cận bị kéo dài.

Tiếp tục kiểm soát chặt công tác phòng cháy từ cơ sở

Trước nguy cơ cháy từ thực tiễn, năm 2022, Ban chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ cấp huyện đã thí điểm mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng tại các xã, phường, thị trấn toàn tỉnh. Đây là một trong những hoạt động căn bản để hạn chế các nguy cơ cháy đe dọa khu dân cư, gắn kết các hộ dân với công tác PCCC ngay từ cộng đồng.

Thượng úy Nguyễn Huy Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.Biên Hòa cho hay, thông qua các chuông báo động trong mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và các dụng cụ, phương tiện chữa cháy được trang bị, người dân sẽ kịp thời phản ứng nhanh khi có cháy. Bước đầu, lực lượng chức năng hướng dẫn được người dân các thao tác xử lý đám cháy ngay trong khu dân cư, tăng cường năng lực phòng cháy cho các xã, phường.

Đồng thời, để hạn chế các vi phạm quy định an toàn PCCC với cơ sở (trong các khu dân cư và khu công nghiệp), Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh cùng công an các địa phương sẽ tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn cơ sở được phân cấp quản lý bảo đảm nội dung và số lượt theo quy định. Tập trung vào các lỗi thường gặp như: sắp xếp hàng hóa che chắn lối thoát hiểm, đè lên hệ thống điện; không bảo dưỡng phương tiện chữa cháy định kỳ… Trên cơ sở đó sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC phát hiện trong quá trình kiểm tra, cương quyết không bỏ qua lỗi vi phạm.

Đặc biệt, trong giai đoạn đầu mùa khô, cận Tết Nguyên đán 2023 hiện nay, công an các đơn vị, địa phương sẽ chủ động nắm tình hình, quản lý, giám sát các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao như: chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, giấy… Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng tham gia công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *