Chàng trai tỉ phú 27 tuổi mang tên Snapchat

Năm 2013, Evan Spiegel (23 tuổi) đã thẳng thừng từ chối đề nghị mua lại Snapchat với 3 tỉ USD của “ông trùm” Facebook, một quyết định làm sửng sốt giới truyền thông khi ấy.

Tuy nhiên sau hơn 3 năm, ngày 3-2-2017, khi chàng tỉ phú 27 tuổi, CEO của Tập đoàn Snap, công ty mẹ của mạng nhắn tin Snapchat và hãng công nghệ Spectacles, vừa nộp hồ sơ chuẩn bị cho phiên phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO / “lên sàn lần đầu”) của Snap, giới truyền thông đã thôi ngỡ ngàng vì quyết định từng bị cho là gàn dở ba năm trước của anh.

* Xem: Snapchat quay lưng trước nụ cười 3 tỷ USD của Facebook  

Giờ thì tôi rất tin rằng cách nhanh nhất để nhận ra việc bạn đang làm có phải là một điều thực sự quan trọng với bạn không là khi có ai đó đề nghị trả bạn một khoản tiền lớn để bạn chia tay với nó
Evan Spiegel phát biểu tại trường kinh doanh USC Marshall năm 2015

Theo CNBC, với phiên IPO đầu tiên, Snap kỳ vọng kêu gọi được khoảng 3 tỉ USD từ các nhà đầu tư. Và khi Snap chính thức lên sàn, dự kiến giá trị của nó vào khoảng 25 tỉ USD hoặc nhiều hơn.

Điều này có nghĩa CEO Spiegel và người đồng sáng lập công ty với anh, Bobby Murphy, cả hai đều sở hữu 20% cổ phần công ty, mỗi người sẽ có tổng tài sản khoảng 5 tỉ USD.

Tỉ phú trẻ kín tiếng

Là một doanh nhân đã xây dựng thành công một “đế chế” mạng xã hội dựa trên ý tưởng mọi người đều muốn chia sẻ những gì đang diễn ra trong đời sống của họ ngay lập tức và liên tục, nhưng bản thân Evan Spiegel lại là người rất kín đáo về đời tư.

Anh hầu như không chia sẻ bao nhiêu về bản thân mình. Anh không dùng Twitter và cũng không “tung” gì về mình trên Instagram. Trên thực tế, cách dễ nhất để người ta tìm thấy những bức ảnh trên mạng của Spiegel là theo dõi tài khoản Instagram vị hôn thê của anh, người mẫu người Úc Miranda Kerr.

Tỉ phú công nghệ trẻ tuổi là con trai của hai luật sư thành đạt người Mỹ. Anh sinh trưởng trong một gia đình có điều kiện tại Los Angeles và ngay từ khi học trung học, anh đã viết ra một bản dự trù kế hoạch chi tiêu đủ sức thuyết phục để bố mẹ hỗ trợ cho anh mỗi tháng gần 2.000 USD.

Spiegel rời bỏ đại học Stanford để làm việc toàn thời gian cho Snapchat khi chỉ còn một vài tín chỉ nữa là đủ để lấy bằng tốt nghiệp. Vì lẽ đó năm 2013, khi anh từ chối bán cho Facebook mạng xã hội Snapchat với mức giá đề nghị 3 tỉ USD, nhiều người đã vô cùng kinh ngạc khi một người chưa tốt nghiệp đại học dám từ chối mức giá được cho là quá “béo bở” của Facebook.

Theo một hồ sơ ghi lại trên tạp chí Forbes, Spiegel chia sẻ về việc này: “Có rất ít người trên thế giới có thể gây dựng một doanh nghiệp như thế. Tôi nghĩ việc bán nó để đổi lấy một cái lợi ngắn hạn thực chẳng thú vị gì”.

Khi xây dựng Snapchat, Spiegel đã có ý định biến nó thành nền tảng mạng xã hội giúp người dùng có thể sống với những khoảng khắc hiện tại chân thực và không hề có sự đánh bóng nào về bản thân họ. Snapchat cho phép người dùng gửi cho nhau những tin nhắn mà nội dung “tự huỷ” nhanh sau vài giây khi người nhận xem xong. Một dạng ứng dụng tin nhắn bí mật.

Anh nói: “Snapchat bảo rằng chúng ta không phải là tổng cộng của tất cả những gì chúng ta đã nói, đã làm, hay đã trải nghiệm hoặc đã công bố. Chúng ta là kết quả. Chúng ta là chúng ta của ngày hôm nay, ngay lúc này. Chúng ta không còn phải chớp giữ lại ‘thế giới thực tế’ rồi sau đó sáng tạo lại nó lên mạng. Chúng ta chỉ đơn giản là sống và đồng thời truyền đạt đi thông tin”.

Ý tưởng đó của anh đã nhận được sự cộng hưởng lớn từ mọi người.

Hiện tại Snapchat có 161 triệu người dùng toàn cầu, 60 triệu người trong đó ở Mỹ và Canada. Những người dùng này dành khoảng từ 25 đến 30 phút mỗi ngày cho Snapchat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *