Vẫn loay hoay với giá khám, chữa bệnh

Dù luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ được thông qua trong vài ngày tới, song nhiều đại biểu Quốc hội vẫn cho rằng dự luật vẫn đang loay hoay với những vấn đề then chốt nhất là giá khám, chữa bệnh và tự chủ bệnh viện công.

Tự chủ nhưng không khác gì không tự chủ !

Thảo luận tại hội trường về luật Khám bệnh, chữa bệnh (KBCB) sửa đổi chiều 6.1, đại biểu (ĐB) Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quy định về tự chủ đối với bệnh viện công trong dự thảo luật.

Theo ĐB Nhân, dự thảo quy định các bệnh viện tự chủ được tự chủ trong tổ chức nhân sự, tài chính song lại nói “theo quy định của pháp luật” mà không rõ là luật nào. Dự thảo luật cũng không nói rõ việc thực hiện các quyền tự chủ này sẽ thực hiện theo nguyên tắc nào. “Chúng tôi thấy nếu không nói cụ thể là theo quy định của luật nào thì phải nói các nguyên tắc để thực hiện tự chủ. Nếu không ta đợi hướng dẫn của Chính phủ thì không biết sự hướng dẫn có phù hợp với cái chúng ta suy nghĩ hay mong muốn hay không”, ông Nhân nói.

Vẫn loay hoay với giá khám, chữa bệnh - ảnh 1
Người dân có bảo hiểm y tế đóng tiền khám bệnh và mua thuốc tại Bệnh viện nhân dân 115NGỌC DƯƠNG

Dẫn ví dụ việc chi trả lương, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế như một nội dung của tự chủ về bộ máy, nhân sự, ông Nhân cho biết hiện chưa có quy định cấp luật đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Do đó, nếu thực hiện theo quy định của pháp luật, tức theo Nghị định 60 của Chính phủ (về tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công – PV), quy định trả lương theo ngạch, bậc và lương tăng thêm không được quá 2 lần lương cơ sở, sẽ không đáp ứng được yêu cầu tự chủ về tổ chức, cán bộ. Từ đó, ĐB TP.HCM đề nghị cần phải ghi rõ vào luật nguyên tắc tự chủ để các bệnh viện thực hiện.

Cùng quan điểm, ĐB Hoàng Văn Cường (đoàn TP.Hà Nội) cho rằng dự thảo luật nói cho phép các bệnh viện tự chủ chi đầu tư và chi thường xuyên được quyền làm một số việc như xác định giá, tổ chức bộ máy, nhân sự… song “đọc kỹ vào từng điều khoản của dự thảo thì thấy các quyền này gần như không thực hiện được”.

“Quy định ở đây nói rằng những bệnh viện tự chủ được tự quyết định về tổ chức, nhân sự, nhưng lại gắn một cái đuôi vào là tuân thủ theo quy định của pháp luật. Như vậy thì gần như các đơn vị này không khác gì những đơn vị không tự chủ”, ông Cường phân tích và dẫn ví dụ nếu như tuyển dụng, sa thải, đề bạt mà phải tuân thủ quy trình như tuyển dụng viên chức của các bệnh viện hiện nay thì khó tuyển được nhân sự có chất lượng tốt. Hay như vấn đề trả lương, bệnh viện tự chủ được quyền tự quyết định mức chi trả nhưng lại phải tuân thủ theo quy định pháp luật thì sẽ vẫn phải trả lương theo ngạch, bậc hiện nay. “Như vậy không khuyến khích được những người giỏi”, ông Cường nêu.

Theo ĐB Cường, tự chủ bệnh viện quan trọng nhất là bệnh viện đó có đủ khả năng tự quyết những vấn đề của mình hay không. Do đó, ĐB đoàn Hà Nội đề nghị dự luật trước hết phải đưa ra điều kiện tự chủ, trong đó điều kiện tiên quyết là năng lực quản trị, khả năng tự quyết định của bệnh viện, sau đó mới đến các mức độ về tự chủ trong tài chính.

Vẫn loay hoay với giá khám, chữa bệnh - ảnh 2
Các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) thăm khám cho bệnh nhânNGỌC DƯƠNG

Nên có 2 loại giá khám, chữa bệnh

Các quy định về giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng là vấn đề nhiều ĐB băn khoăn. ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong bệnh viện nhà nước nên chia làm 2 loại. Một là giá dịch vụ cơ bản đáp ứng phần đông mọi đối tượng và không vượt quá khung quy định nhà nước. Thứ hai là giá khám, chữa bệnh theo yêu cầu do bệnh viện tự quyết định, không cần theo khung giá của nhà nước nhưng phải dựa trên quy định về các yếu tố cấu thành giá, phương pháp định giá của Bộ Y tế.

Để làm được điều này, theo ông Cường, cả hai loại giá phải cùng dựa trên một phác đồ điều trị giống nhau. Sự khác nhau về giá nằm ở “chất lượng” như yếu tố nguồn gốc xuất xứ của thuốc, thiết bị cũng như các yếu tố dịch vụ đi kèm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *