Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 10 tỷ USD vào cuối tháng 11 năm nay

Xuất khẩu thủy sản đánh dấu sự hồi phục sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID 19, đạt mức tăng trưởng gần 30% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt qua mục tiêu 9 tỷ USD hồi đầu năm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ cán mốc 10 tỷ USD vào cuối tháng 11 năm nay, và hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 là 9 tỷ USD được đưa ra hồi đầu năm.

Dù có khó khăn xuất khẩu thủy sản vẫn vượt mục tiêu đề ra hồi đầu năm

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 369.437.778 USD, giảm 15,64% so với nửa đầu tháng 11/2021. Cộng dồn từ đầu năm đến ngày 15/11 đạt 9,752 tỷ USD, tăng 29,74% so với cùng kỳ năm 2021, còn 248 triệu USD là chạm mốc 10 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chỉ sau 10 tháng đầu năm xuất khẩu thủy sản đã đạt 3 cột mốc quan trọng.

Thứ nhất, vượt qua kỷ lục xuất khẩu thủy sản trong một năm đạt được trong năm 2021 là 8,9 tỷ USD. Thứ 2 là lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu thủy sản vượt mốc 9 tỷ USD trong một năm. Và thứ 3 là xuất khẩu trong 10 tháng đã vượt kế hoạch cho cả năm là 9 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản trong năm nay tăng trưởng rất ấn tượng, có tác động lớn từ những biến động trên thị trường thế giới. Nhu cầu thủy sản tăng cao trong nửa đầu năm nay, cộng với tình trạng lạm phát, giá năng lượng tăng cao trên toàn cầu, xung đột Nga – Ukraina…, khiến cho giá nhiều loại thủy sản trên thế giới nhìn chung tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đà tăng trưởng khá mạnh mẽ ngành thủy sản đã bị ngắt ngang từ quý 4. Thậm chí những tháng cuối năm này doanh số xuất khẩu tôm còn có thể thấp hơn cùng kỳ năm trước.

TS. Hồ Quốc Lực – Nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam cho biết tình hình này đã được dự báo khá sớm và không tránh khỏi. Không ít doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình hình là bị đối tác hoãn giao đơn hàng đã ký kết, thậm chí hủy một số đơn hàng đã thỏa thuận và chậm chạp trong việc trao đổi kế hoạch kinh doanh năm sau.

Hiện nay cái khó cho doanh nghiệp không đơn thuần là đơn hàng, là việc làm, là thu nhập người lao động khi Tết Nguyên đán sắp đến. Các doanh nghiệp có nhiều vốn có thể khó khăn chỉ dừng ở đây, đối với các doanh nghiệp ít vốn, lệ thuộc vốn vay ngân hàng thì khó khăn gấp bội. Do vậy, giải pháp không ai mong muốn là phải chấp nhận giảm giá, chấp nhận bán rẻ để có cái chứng minh luân chuyển dòng tiền.

“Nhưng đó là vòng tròn đi xuống, khó khăn tài chính sẽ tránh được chút vướng mắc trước mắt nhưng hệ quả thì không lường, khi lạm phát và cạnh tranh quốc tế chưa thấy hồi kết. Lỗ sẽ kéo dài… tình hình này đã diễn ra ở cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2007-2008, hệ quả sau đó ít năm, khá nhiều doanh nghiệp thủy sản đã bỏ cuộc chơi, thậm chí có cả doanh nghiệp lớn.

Dù khó khăn, ngành thủy sản vẫn hoàn thành vượt mức mục tiêu đã đề ra hồi đầu năm 2022. Nhưng với tình hình chung thế giới hiện nay, cho thấy sự tăng trưởng, phát triển đang diễn ra không thể nói là bền vững. Độ co giãn chịu đựng khá mỏng, cho cả con cá tra lẫn con tôm, là hai sản phẩm chủ lực chiếm trên 60% tỷ trọng xuất khẩu ngành”, Chủ tịch HĐQT FIMEX nói.

Xuất khẩu tôm tháng 10/2022 giảm 26%

Bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO cho biết, trong tháng 10, xuất khẩu tôm chỉ đạt 313 triệu USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm. Luỹ kế 10 tháng, xuất khẩu tôm đạt trên 3,7 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong tháng 10, các thị trường chính đều bị sụt giảm rất mạnh nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Theo đó, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm 56%, đạt trên 52 triệu USD; Nhật Bản giảm 19%; Hàn Quốc giảm 26%, sang Anh và các nước EU giảm sâu từ 55% – 88% so với cùng kỳ. Riêng xuất khẩu sang Trung Quốc và Hongkong vẫn giữ được tăng trưởng lần lượt là 18% và 14% so với tháng 10/2021.

Tính tới hết tháng 10, dù giảm 18% so với cùng kỳ nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 20% với kim ngạch đạt 733 triệu USD, tương đương khoảng 63 nghìn tấn tôm. Việt Nam là nguồn cung tôm lớn thứ 4 tại thị trường Mỹ, chiếm 9% về khối lượng và 11% về giá trị. Giá trung bình nhập khẩu tôm Việt Nam vào Mỹ cao hơn 9% so với cùng kỳ, từ mức 10,59 USD tăng lên 11,54 USD/kg.

Xuất khẩu thủy sản lần đầu tiên cán mốc 10 tỷ USD vào cuối tháng 11 năm nay - Ảnh 1.

10 tháng đầu năm dù giảm 18% so với cùng kỳ nhưng thị trường Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm gần 20% với kim ngạch đạt 733 triệu USD

Ngoài Mỹ, xuất khẩu tôm sang EU trong tháng 10/2022 giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang 4 thị trường chính trong khối EU, gồm: Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp đồng loạt giảm ở mức 2 con số. Tính tới tháng 10/2022, xuất khẩu tôm sang EU đạt 618 triệu USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, xuất khẩu tôm sang các thị trường khác vẫn giữ được tăng trưởng khả quan, trong đó sang Trung Quốc tăng 70%, sang Australia tăng 50%, sang Canada tăng 38%, sang Hàn Quốc tăng 31%.

“Mặc dù đang giai đoạn cuối năm, nhưng xuất khẩu tôm trong 2 tháng tới khó giữ được tăng trưởng như những tháng trước vì nhu cầu trên thị trường ngày càng sụt giảm, nguồn nguyên liệu khó khăn và chi phí sản xuất thì vẫn cao, trong khi doanh nghiệp và người nuôi thì thiếu vốn để quay vòng đầu tư sản xuất, chế biến xuất khẩu”, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO nhận định.

Trước việc xuất khẩu thủy sản cán mốc 10 USD, Hiệp hội Chế Biến và Xuất Khẩu Thủy Sản Việt Nam cho biết sẽ tổ chức “Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD” tại TP.HCM vào ngày 10/12/2022.

Năm 2022, xuất khẩu cá tra có thể đạt trên 2,5 tỷ USD

Vẫn theo bà Lê Hằng, dù tháng 10 xuất khẩu cá tra vẫn tăng 16% so với cùng kỳ, nhưng kết quả 159 triệu USD kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 10 là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022 tới nay. Luỹ kế tới hết tháng 10 xuất khẩu cá tra đạt 2,1 tỷ USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. So với mức đỉnh 310 triệu USD đạt được hồi tháng 4, thì doanh số trong tháng 10 giảm gần một nửa.

Cụ thể, xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 10 chỉ đạt 32 triệu USD, giảm gần 25%. Bắt đầu từ tháng 7, xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ chỉ dao động 32-33 triệu USD/tháng, mức sụt giảm “hụt hẫng” so với mức đỉnh 81 triệu USD hồi tháng 4.

Xuất khẩu cá tra sang các thị trường chính trong khối EU có các xu hướng khác nhau trong tháng 10/2022. Trong khi xuất khẩu sang Bỉ giảm 25%, xuất khẩu sang Đức lại tăng đột biến 384%, sang Hà Lan vẫn giữ tăng trưởng nhẹ 10%, sang Tây Ban Nha tăng 142%.

Trong tháng 10, xuất khẩu sang những thị trường nhỏ vốn được coi là tiềm năng trong những năm gần đây như Mexico, Malaysia, Colombia, Arap Xê út … đều bị giảm từ 13-53% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong bức tranh xuất khẩu cá tra có xu hướng trầm xuống ở các thị trường trong tháng 10 thì thị trường trụ cột Trung Quốc và HongKong vẫn tăng 23% và sang Hongkong tăng 123%.

Tính tới hết tháng 10, Trung Quốc vẫn là thị trường số 1 của cá tra Việt Nam với tổng giá trị XK đạt 594 triệu USD, chiếm 28% và tăng 106% so với cùng kỳ năm 2021. Nếu tính cả Hongkong thì khối thị trường này chiếm 30% với 632 triệu USD doanh số XK cá tra Việt Nam.Dự báo, xuất khẩu cá tra đến hết năm nay có thể đạt trên 2,5 tỷ USD, tăng 58% so với 2021.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *